Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Giãn phế quản có nguy hiểm?

Các biểu hiện của bệnh

Khạc đờm: là dấu hiệu gợi ý chẩn đoán, những bệnh nhân điển hình, có thể thấy khạc đờm rất nhiều, mỗi ngày có thể khạc ra tới 500ml thậm chí có trường hợp khạc ra đến 1lít đờm mủ. Đờm có thể có mùi hôi, thối, màu xanh, vàng hoặc đục như mủ. Ho ra máu: ho, khạc ra máu lẫn đờm, lượng máu có thể ít (dưới 50ml) hoặc nhiều (trên 200ml). Có trường hợp máu có thể ộc ra, gây tắc nghẽn đường thở, làm bệnh nhân khó thở dữ dội và có thể tử vong.

Khó thở: đây cũng là biểu hiện khá thường gặp, một số bệnh nhân có thể khó thở với tiếng cò cử, dễ nhầm với bệnh hen phế quản.

Đau ngực: là dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn phổi ở vùng giãn phế quản. Tuy nhiên, một số bệnh nhân giãn phế quản được chẩn đoán ở giai đoạn suy hô hấp mạn. Viêm phế quản, phổi cấp tái phát nhiều lần với các triệu chứng sốt 38 - 38,5°C...

Hình ảnh giãn phế quản trên phim chụp phế quản cản quang.

Hình ảnh giãn phế quản trên phim chụp phế quản cản quang.

Nguyên nhân gây giãn phế quản

Dị tật bẩm sinh ở cấu trúc phế quản: GPQ lan tỏa cộng với viêm xoang hoặc/và cộng với phủ tạng đảo lộn (vị trí của tim chuyển sang bên phải) do rối loạn hoạt động của lông tuyến phế quản. Khuyết tật hoặc không có sụn ở phế quản nên phế quản phình ra khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra; Do viêm hoại tử ở thành phế quản: GPQ sau nhiễm khuẩn phổi như lao, viêm phổi vi khuẩn, virut, sởi, ho gà, do dịch dạ dày hoặc máu bị hít xuống phổi, hít thở khói, hơi độc (khí amoniac), do nhiễm khuẩn phế quản tái diễn; Do bệnh xơ hóa kén: chiếm tỷ lệ 50% các trường hợp GPQ, là nguyên nhân thường gặp nhất ở châu u và Bắc Mỹ; Do phế quản lớn bị tắc nghẽn: lao hạch phế quản, hoặc dị vật rơi vào phế quản ở trẻ em, u phế quản hoặc sẹo xơ gây chít hẹp phế quản sau khi bị giập vỡ ở phế quản lớn do chấn thương lồng ngực; Do tổn thương xơ hoặc u hạt co kéo thành phế quản: lao phổi xơ, lao xơ hang, áp-xe phổi mạn tính, bệnh phế nang viêm xơ hóa; Rối loạn thanh lọc nhày nhung mao: GPQ có thể phát triển trong rối loạn vận động nhung mao thứ phát của hen phế quản; Rối loạn cơ chế bảo vệ phổi do suy giảm miễn dịch: HIV, bạch cầu...

Giãn phế quản khu trú LIG.

Giãn phế quản khu trú LIG.

Giãn phế quản được điều trị như thế nào?

Bệnh giãn phế quản không thể điều trị khỏi hoàn toàn, các bệnh nhân thường chỉ đến viện mỗi khi có đợt cấp, việc điều trị tại bệnh viện do vậy chính là điều trị đợt bội nhiễm của giãn phế quản.

Dùng kháng sinh mỗi khi có đợt bội nhiễm của giãn phế quản.

Thời gian dùng kháng sinh thường từ 10-15 ngày. Những trường hợp giãn phế quản rất nặng, thời gian dùng kháng sinh có thể kéo dài hơn, thậm chí tới 1 tháng; Dẫn lưu đờm: Là liệu pháp điều trị rất quan trọng, có thể coi có tầm quan trọng như dùng kháng sinh, nhưng bệnh nhân lại hầu như không mất tiền. Các biện pháp dẫn lưu đờm thường hay dùng bao gồm: Hướng dẫn cho bệnh nhân cách ho, khạc đờm sâu và vỗ rung lồng ngực, kết hợp dẫn lưu tư thế hàng ngày. Tùy theo vị trí giãn phế quản mà lựa chọn tư thế cho phù hợp với nguyên tắc vùng giãn phế quản được đặt ở vị trí cao nhất. Vùng giãn phế quản ở phía sau: bệnh nhân được đặt nằm sấp, vùng giãn phế quản ở phía trước: bệnh nhân được đặt nằm ngửa... Sau đó dùng hai bàn tay khum lại, vỗ đều vào ngực bệnh nhân. Kết hợp rung và lắc ngực. Mỗi lần làm kéo dài 15-20 phút, ngày làm từ 2-3 lần. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế tiếp tục được duy trì tại nhà cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân có khó thở, nghe phổi có ran rít, ngáy, bệnh nhân thường được dùng thêm các thuốc giãn phế quản dùng đường uống hoặc khí dung hoặc kết hợp cả hai. Các thuốc có thể được dùng bao gồm: thuốc giãn phế quản: salbutamol, terbutaline, thuốc kháng cholinergic, theophylline, bambuterol...

Lời khuyên của thầy thuốcViệc điều trị giãn phế quản chủ yếu nhằm ngăn ngừa, điều trị các đợt bùng phát do bội nhiễm. Tuy nhiên, người bị giãn phế quản không nên bi quan, cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh nhân giãn phế quản có thể sống rất lâu, nhiều trường hợp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt gần hoàn toàn như người bình thường.Cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn điều trị của thầy thuốc; Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm và tiêm vắc-xin phòng phế cầu mỗi 4 năm; Vỗ rung ngực hàng ngày. Khi vỗ rung, bạn khum bàn tay và vỗ đều lên lưng vùng có giãn phế quản bên dưới. Lực vỗ đều, kết hợp hít sâu, thở mạnh sau vỗ rung để tống đờm ra ngoài. Mỗi lần vỗ rung kéo dài 15-20 phút; Tránh lạnh, ẩm, không đi sớm, về khuya. Mùa lạnh: nên giữ ấm cổ cẩn thận. Giữ môi trường trong nhà luôn sạch, thoáng, khô. Khi đi đường: nên đeo khẩu trang cẩn thận để tránh bụi. Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hệ hô hấp. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn phế quản cần điều trị triệt để. Đối với người trưởng thành cũng phải luôn vệ sinh răng miệng, mũi sạch sẽ...

BS. Nguyễn Văn Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét